Phần thi "Em là hướng dẫn viên du lịch"
NỘI DUNG
Phần thi thứ tư
Giới thiệu bản sắc văn hóa, truyền thống, du lịch và ẩm thực địa phương
(Thời gian: 5-7 phút)
Thực hiện
(Thuyết trình viên Mỹ Loan mặc áo dài, đứng bên trái màn hình trình chiếu, chào BGK và quan khách trong khán phòng).
+ Mỹ Loan: Kính thưa BGK
Em là Phạm Thị Mỹ Loan, học sinh lớp 9B, trường THCS Phổ Châu. Trong vai thuyết trình viên, em xin được phép bắt đầu phần thi giới thiệu truyền thống, văn hóa, du lịch và ẩm thực trên quê hương văn hóa Sa Huỳnh.Xin mời đoàn khách du lịch vào phòng thuyết minh.
(Đoàn du khách 9 người từ hậu đài lần lượt đi ra, đứng bên phải màn hình trình chiếu. Kể từ lúc này, Mỹ Loan chỉ làm việc với đoàn du khách, không nhìn BGK)
Mỹ Loan:Xin kính chào và hân hạnh đón tiếp đoàn du lịch. Thưa qúy vị, tôi là Phạm Thị Mỹ Loan, thuyết trình viên của đơn vị du lịch mà quý vị đang dừng bước ghé thăm. Bằng hình ảnh và những thước phim sống động, tôi sẽ giới thiệu đến quý vị về những nét đặc sắc của vùng đất khá nổi tiếng của huyện Đức Phổ. Đó là xã Phổ Châu, thuộc không gian văn hóa Sa Huỳnh. Xin chúc quý vị dồi dào sức khỏe với một chuyến du khảo nhiều thú vị.
(Màn ảnh xuất hiện H1)
Mỹ Loan: Phổ Châu là một xã nằm về phía cực nam của H. Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Trong kháng chiến, Phổ Châu được phong tặng danh hiệu xã Anh hùng từ rất sớm. Trong hàng trăm liệt sĩ, nổi bật lên tên tuổi của anh hùng liệt sĩ Trần Luân và anh hùng Võ Duy Chín.
Anh hùng Trần Luân được biết đến với trận đánh nổi tiếng năm 1962 trên vùng rừng Đồng Đế (xã Phổ Châu)s. Anh đã cùng với một tiểu đội du kích bẻ gãy đợt càn quét của lính Mỹ, loại khỏi vòng chiến trên 40 tên địch.
Riêng anh hùng Võ Duy Chín đã lãnh đạo lực lượng vũ trang địa phưong bám trụ giữ làng, đẩy lùi hàng trăm đợt dồn dân lập ấp của địch. Ông hiện là trung tướng, đang phục vụ trong quân đội nhân dân ViệtNam.
( H2)
Mỹ Loan: Đã có hàng trăm con em Phổ Châu đã ngã xuống vì độc lập tự do. Nhiều bà mẹ Phổ Châu được phong tặng danh hiệu BMVNAH. Đến Đài Tưởng niệm liệt sĩ xã Phổ Châu tọa lạc bên hòn Bù Nú, các bạn sẽ thấy những cái tên ưu tú của những người con đã ngã xuống cho quê hương Phổ Châu hôm nay. Đó là những cái tên thầm lặng nối dài trên bảng ghi công nhưng bao giờ cũng sáng ngời trong trái tim của người Phổ Châu hôm nay.
(H3)
Đây là hình ảnh một trong những chốt chiến đấu, di tích của lực lượng vũ trang xã Phổ Châu trên mặt trận chiến đấu bảo vệ bờ biển quê hương. Dù đất nước đã hòa bình nhưng các anh chị dân quân vẫn không rời tay súng, ngày đêm bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Một du khách: Thưa chị, trước chuyến đi, chúng tôi có nghe nói về “Văn hóa Sa Huỳnh”. Xin chị giới thiệu vài nét về điều này được không ạ?
(H4)
Mỹ Loan: Vâng, từ năm 1909, ba nhà khảo cổ học người Pháp lần đầu tiên khai quật di chỉ mộ chum tại Gò Ma Vương, thôn Long Thạnh 2 (Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) với nhiều đồ trang sức và dụng cụ lao động bằng đá được tùy táng. Khái niệm “Văn hóa Sa Huỳnh” bắt đầu từ đây. Qua nhiều lần mở rộng diện khai quật, khảo cứu ngót gần 100 năm sau đó, không gian Văn hóa Sa Huỳnh được xác định từ Quảng Bình lên Tây Nguyên và kéo dài đến Đồng Nai. (Hướng về màn hình) Và đây là hình ảnh lần khai quật vào năm 1987 do Sở Văn hóa và Bảo tàng Quảng Ngãi tổ chức.
(H5)
Mỹ Loan: Theo dấu người xưa, những con người hôm nay đang tìm về Gò Ma Vương, đến với “Văn hóa Sa Huỳnh”. Con đường dẫn lên khu khai quật di chỉ văn hóa Sa Huỳnh rất thơ mộng với một bên là đầm nước ngọt trong veo, một bên là biển trời xanh ngắt với hàng dương reo vui trong gió. Tại đây, một bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh đang được xây dựng. Trong tương lai gần, nhà Bảo tàng sẽ là điểm đến thú vị cho những ai muốn tìm về nguồn cội.
(H6)
Mỹ Loan: Đây là hình ảnh những chiếc chum thuộc nền VHSH. Hình ảnh này cho thấy sự khéo léo tinh xảo của những cư dân Sa Huỳnh cách đây 3500 năm. Đất vốn vô tri nhưng trải qua nghìn độ lửa, người Sa Huỳnh đã thổi vào đó tâm hồn mộc mạc của những cư dân vùng biển.
(H7)
Mỹ Loan: Người Sa Huỳnh cổ đã dùng những chiếc rìu đá này để đẵn cây, dựng chòi, đóng bè trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Ta nghe trong rìu đá những âm thanh của rừng núi, của những giọt mồ hôi, của những tiếng reo hò khi hạ thủy một con thuyền, thực hiện khát vọng vươn khơi ra Hoàng Sa, Trường Sa từ hàng nghìn năm trước.
(H8)
Mỹ Loan: Năm 1978, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những khuyên tai bằng đá tại di chỉ Gò Ma Vương. Với phát hiện này, trình độ thẩm mỹ của người Sa Huỳnh cổ đã được chứng minh. Từ những mảnh xương thú, các nghệ nhân thời xưa đã tạo những đường cong mềm mại, đạt tính thẩm mỹ cao. Biết làm đẹp, tạo dáng cho cái đẹp là một trong những nét độc đáo làm nên VHSH.
Một du khách: Tôi nghe nói Châu Me, Phổ Châu là nơi có nhiều cảnh đẹp. Chị hãy cho chúng tôi xem một vài hình ảnh tiêu biểu.
(H9)
Mỹ Loan: Đúng như anh (chị) nói, Phổ Châu là địa điểm du lịch sinh thái rất nổi tiếng. Một nhà thơ từng ca ngợi: Hỡi mình biển đẹp vô ngần / Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh. Hình ảnh mà các bạn đang xem là toàn cảnh Phổ Châu nhìn từ Hòn Bù Nú. Những ngọn núi vươn ra biển lớn. Bãi cát vàng và bạt ngàn dương liễu, dừa xanh.
(H10)
Mỹ Loan: Từ đỉnh Bù Nú nhìn về hướng đông bắc là toàn cảnh Sa Huỳnh. Cùng với Phổ Châu, đây là điểm thu hút khách du lịch sinh thái với điểm nhấn là Khu du lịch Sa Huỳnh với bãi tắm tuyệt vời và khu nghỉ dưỡng hấp dẫn vào mùa hè. Nơi đây, bạn có thể thuê một chiếc xe máy và tự mình “phượt” lên Gò Ma Vương để đến với nền VHSH mà chúng tôi đã giới thiệu cách đây vài phút.
(H11)
Mỹ Loan: Non nước Phổ Châu được tạo hóa ban tặng cho những đường nét hữu tình. Hình ảnh bạn đang xem là vòng cung bờ biển thôn Châu Me, nơi hàng trăm bạn trẻ từ khắp nơi đổ về vùng vẫy giữa làn nước xanh trong. Từ bãi biển này, các bạn có thể đi dạo trên những gành đá, ngắm hàng nghìn đóa hoa biển đang lung linh nở giữa ngàn khơi.
Một du khách: Chị ơi, người ta nói “có thực mới vực được đạo”. Ở đây chúng tôi sẽ ăn gì để lấy sức mà khám phá non nước Châu Me?
(H12)
Mỹ Loan: Vâng, xin anh (chị) đừng lo vì Phổ Châu là vựa hải sản nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi. Đến với Phổ Châu những ngày đầu xuân này, các bạn có thể xắn quần lội ra sát mạn thuyền để mua mực, tôm, cá tươi rói mới từ biển vào. Các bạn cũng có thể ăn món ruốc tươi hoặc khô, trộn xà lách, dưa leo hoặc cà chua. Clip mà các bạn đang xem cho thấy những ngư dân đang phơi ruốc trên tảng đá.
(H13)
Mỹ Loan: Phổ Châu còn có một loại đặc sản nổi tiếng là Mắm nhum. Vào tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, ngư dân lặn nhum về làm mắm. Mắm nhum ngon tuyệt, ngon đến mức từng “chễm chệ” trên bàn yến tiệc của vua chúa ngày xưa. Ngoài việc làm mắm, dân địa phương còn chế biến món chả nhum, cháo nhum ăn ngay tại các quán trên bãi. Màn hình đang cho bạn thấy cảnh làm nhum trên bãi biển Châu Me. Quý vị có thể vào Google với từ khóa “Mắm nhum Phổ Châu” để biết thêm chi tiết.
(H14)
Mỹ Loan: Những con cua màu đỏ tươi trên màn ảnh là cua huỳnh đế, một đặc sản của Sa Huỳnh nói chung và Phổ Châu nói riêng. Cua huỳnh đế thịt săn chắc, ngọt thơm, nhiều chất bổ dưỡng. Có lẽ vì thế mà loại cua này được mệnh danh là “vua của các loài cua”. Đến Sa Huỳnh – Phổ Châu, du khách thường về với vài con cua huỳnh đế hay vài chai mắm nhum để tặng người thân.
(Nhóm khách nói lời cảm ơn và lui vào hậu đài. Mỹ Loan đọc lời chào cuối phần thi).
Mỹ Loan: Kính thưa BGK, thưa quý thầy cô và quý khán giả.
Trường THCS Phổ Châu vừa hoàn thành phần thi của mình. Cuộc thi đã bồi dưỡng cho thầy và trò trường em tình yêu quê hương đậm đà, mang lại cho chúng em những hiểu biết bổ ích về mảnh đất thân thương Núi Ấn - Sông Trà nói chung và quê hương Phổ Châu nói riêng. Cho phép em từ giã cuộc thi này với lời chào trân trọng.
Em xin cảm ơn
(Kịch bản: Trần Cao Duyên)
Đặng Đạm @ 08:24 27/03/2013
Số lượt xem: 1235
- Tạo bài giảng E-learning với Adobe Presenter (17/11/12)
- Kỷ niệm tham quan hè (07/08/12)
- Quảng Ngãi: Sẽ công bố điểm thi lớp 10 vào ngày 10/7 (01/07/12)
- Trường THCS Bình Long: Nỗ lực thi đua dạy tốt,học tốt (16/04/12)
- Hướng dẫn SMS ngày mồng 8 tháng 3 (04/03/12)
Các ý kiến mới nhất